Chương 3: Từ Một Câu Đùa
Khung trò chuyện bỗng rơi vào tĩnh lặng. Những rung động âm ỉ bắt đầu dậy sóng trong lòng tôi, không cách nào kiểm soát nổi. Vầng trăng tôi hằng khao khát bất chợt soi rọi đến, khiến tôi vừa hân hoan vừa bất an. Dù vậy, ánh sáng ấy vẫn quá xa vời, tôi chẳng dám mơ mình có thể chạm tới. Trước khi chìm vào giấc ngủ, cảm giác ngột ngạt len lỏi trong tôi. Đã từng mong gặp lại anh, nhưng đến khi gặp rồi, tôi lại tự hỏi: gặp để làm gì nữa? Giá mà biết trước mọi chuyện sẽ thành ra thế này, có lẽ tôi đã chẳng tham gia buổi họp lớp, cũng không tự đẩy mình vào vòng xoáy suy nghĩ rối ren này. Có lẽ, bí mật này nên lặng lẽ tan biến, giống như tôi từng sống lặng lẽ trước kia.
Sau hôm đó, tôi và Giang Lẫm không còn liên lạc. Một lần nữa, tôi tình cờ gặp anh tại đám cưới của lớp trưởng cấp ba. Hơn nửa lớp có mặt, tôi bị kéo lên sân khấu làm MC mà chẳng kịp chuẩn bị gì. Khi buổi lễ đã đi được nửa chặng, tôi bất ngờ bắt gặp Giang Lẫm xuất hiện muộn, dáng vẻ điềm tĩnh lẫn vào bóng tối, những đường nét lạnh lùng của anh dường như cũng trở nên mềm mại hơn dưới ánh đèn. Tim tôi bỗng đập loạn, tự nhắc mình phải giữ bình tĩnh.
Nhờ tự ám thị, suốt phần còn lại của buổi lễ, tôi cố gắng không để ánh mắt mình hướng về phía anh nữa. Khi mọi việc đã xong, tiệc tối bắt đầu, tôi lại lặng lẽ chọn một chiếc bàn khuất trong góc. Lớp trưởng kéo váy đến gần, hỏi: “Sao cậu không ngồi với mọi người?” Cô ấy chỉ về phía bàn của Giang Lẫm, cười tinh nghịch: “Mình dành riêng cho cậu một chỗ ở đó đấy.”
Tôi cười trừ: “Cậu đừng đùa nữa.” Tôi hiểu cô ấy muốn tốt cho tôi, nhưng vẫn nhẹ nhàng từ chối: “Ngồi cùng vậy sẽ làm Giang Lẫm khó xử.”
Cô ấy xua tay, tỏ vẻ không đồng tình: “Có gì đâu mà phiền! Đêm cậu say rượu tỏ tình trong nhóm, Giang Lẫm đã hỏi thăm số điện thoại của cậu khắp nơi. Nhưng mấy năm rồi cậu chẳng liên lạc với ai, nên không ai biết số cả.”
Tôi bật cười: “Chắc anh ấy chỉ muốn gọi nhắc mình im lặng thôi.”
“Thế sao không nhắn thẳng lên nhóm?”
Tôi tự trả lời: “Anh ấy là người tử tế, không muốn tôi bối rối.”
Cô ấy nhìn tôi, khẽ nói: “Biết đâu, anh ấy thực sự lo cho cậu thì sao?”
Tôi lặng người. Giang Lẫm lo lắng cho tôi ư?
Không khí tiệc cưới náo nhiệt, tôi lại lặng lẽ cười chính mình. Nếu Giang Lẫm có quan tâm thật, thì cũng chỉ chứng tỏ anh là người tốt mà thôi. Dù bữa tiệc linh đình, tôi cũng chẳng thiết tha gì, vừa khi chú rể chúc rượu xong, tôi liền rời đi sớm.
Bước ra khỏi hội trường ồn ào, tôi bất ngờ gặp nhóm bạn cũ ở cửa. Đám con trai có vẻ đã ngà ngà, cười nói rôm rả. Giang Lẫm đứng lặng ở giữa, vẻ ngoài lạnh lùng hơn hẳn. Sợ lúng túng, tôi cúi đầu đi lối khác. Nhưng chưa được bao xa, tôi va phải một người. Ngẩng đầu lên, hóa ra là Giang Lẫm, bóng anh in đậm giữa ánh đèn nhập nhoạng, gương mặt sắc sảo càng thêm bí ẩn. Anh mở lời, giọng điệu vẫn thản nhiên:
“Đi vội thế sao?”
Tôi không nghĩ anh lại theo mình ra đây, ngập ngừng đáp bừa: “Ừ, mình có chút việc.”
“Vậy à.” Anh trả lời hờ hững, nhưng tôi cảm nhận được anh còn điều muốn nói. Quả nhiên, anh khẽ nhếch môi, ánh mắt khó đoán:
“Tôi cứ tưởng em đang cố tránh mặt tôi đấy.”
Tôi bỗng cảm thấy có chút chột dạ. “Làm gì có chuyện đó, chỉ là tôi thấy đông người quá nên tránh đi thôi.” Tôi bịa đại một lý do: “Tôi vốn không quen ở chỗ đông người, sợ phải giao tiếp.”
“Thật không?” Giang Lẫm điềm nhiên nhìn tôi, khiến tôi lập tức cứng họng, chẳng thể ngụy biện thêm được nữa.
Một lúc sau, anh quay người hỏi: “Nhà em ở đâu? Để tôi đưa về.”
Tôi định từ chối, nhưng lại sợ bị cho là khách sáo quá mức. Nghĩ một hồi, tôi quyết định lên xe, chọn ngồi ở hàng ghế sau.
Chiếc xe lăn bánh trên con đường quốc lộ, không gian kín mít như phóng đại mọi cảm xúc trong tôi. Vừa ngượng ngùng, vừa có chút vui khó tả. Tôi lặng lẽ quan sát Giang Lẫm, ánh đèn xe ngoài đường hắt lên gương mặt anh, đôi mắt anh bình thản nhìn về phía trước, không hề chủ động bắt chuyện. Để phá vỡ bầu không khí gượng gạo, tôi lên tiếng trước:
“Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm gì vậy?” Giọng tôi cố gắng tự nhiên, giống như đang trò chuyện với một người bạn cũ.
Giang Lẫm thản nhiên đáp bốn chữ: “Ăn cơm nhà nước.”
(*) Ý là từng đi tù.
Tôi sững sờ: “Gì cơ?”
Anh không trả lời ngay, chỉ liếc tôi qua gương chiếu hậu, im lặng mấy giây rồi mới nói tiếp, giọng điệu hờ hững: “Ừ, mới ra thôi.”
Tôi tròn mắt kinh ngạc, không thốt nên lời.
“Sao, sợ rồi à?”
“Không... không đâu…” Tôi vội vàng lắc đầu.
Giang Lẫm bật cười, giọng trầm khàn khiến tôi nổi da gà. Tôi không chắc anh nói thật hay đùa, mà cũng chẳng dám hỏi thẳng. Nếu chuyện đó là thật, hẳn anh đã trải qua nhiều điều không dễ dàng, nhắc lại cũng không phải phép. Không khí lại rơi vào im lặng.
Xe dừng trước cổng khu nhà, tôi bước xuống, vòng sang phía ghế lái:
“Bạn học Giang Lẫm, cảm ơn anh, hẹn—”
Chưa kịp nói hết câu, anh đã nhướn mày: “Muốn cảm ơn thế nào đây?”
Tôi lúng túng, ngập ngừng hỏi: “Anh có muốn lên nhà uống chén trà không?”
Tôi chắc mẩm Giang Lẫm sẽ từ chối, chẳng có lý do gì để anh nán lại. Nhưng anh lại bước xuống xe, đáp gọn: “Làm phiền rồi.”
Tôi đứng ngẩn ra trong gió, không hiểu nổi con người này rốt cuộc nghĩ gì. Giang Lẫm đã đi về phía khu nhà, thấy tôi còn đứng đực ra thì dừng lại:
“Không phải em vừa mời tôi uống trà à?”
Tôi chỉ muốn nói rằng câu vừa rồi chỉ là khách sáo thôi, anh đâu cần coi là thật.
Cửa vừa mở, tôi lao ngay vào nhà, vội vàng nhét bộ đồ ngủ trên sofa xuống ghế, rồi chỉnh lại tâm trạng. Định gọi Giang Lẫm vào, bất ngờ một bóng đen vụt qua – con husky nhà tôi, trên đầu cài bông hồng nhỏ, đang bám lấy chân anh.
Tôi vội gọi: “Bạn học Giang, lại đây!”
Cả Giang Lẫm lẫn con husky đều đồng loạt ngoái nhìn tôi. Đến lúc nhận ra, tôi chỉ muốn cắn lưỡi vì xấu hổ:
“Tôi gọi con chó mà.” Tôi ngượng ngùng giải thích.
Con husky đắc ý lắc mông rồi nhào vào lòng tôi, còn không quên quay lại “cười” với Giang Lẫm.
Giang Lẫm: “???”
Tôi ái ngại tránh ánh mắt anh: “Chỉ là trùng hợp thôi mà…”
Giang Lẫm vẫn điềm tĩnh nhìn tôi, như thể muốn hỏi “cô nghĩ tôi tin chắc?”.
“Anh ngồi đi, tôi đi pha trà.” Tôi kiếm cớ chuồn vào bếp, mở vòi nước để át đi tiếng tim đập thình thịch.
Đúng là, đến tôi còn không tin nổi chính mình, nói gì đến người khác.
Hôm đó, khi ghé qua cửa hàng thú cưng, tôi vừa nhìn đã trúng ngay con husky này. Nó nghiêng đầu nhìn tôi với ánh mắt vừa bướng bỉnh vừa ngây thơ, khiến tôi bất giác nhớ về Giang Lẫm thời trẻ. Lúc ấy tôi bật cười, vui vẻ mang nó về nhà và đặt cho nó cái tên ấy, tự nhiên như một điều hiển nhiên.
Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày bị chính chủ bắt quả tang như thế này. Sau một hồi loay hoay trong bếp, tôi mới mang trà ra phòng khách. Cảnh tượng trước mắt khiến tôi không khỏi bật cười: con husky nhà tôi đang trợn mắt nhe răng đối đầu với Giang Lẫm, người thì thản nhiên ngồi dựa lưng trên ghế sofa, chân dài vắt chéo, ánh mắt có phần không mấy thân thiện nhìn lại nó. Một người một chó, cả hai đều im lặng, không ai chịu nhường ai.
Cảm thấy như đang nhận trọng trách hòa giải, tôi cẩn trọng đặt tách trà trước mặt Giang Lẫm. Anh không vội uống, chỉ liếc nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ẩn ý khiến tôi bối rối. Tôi ngượng ngùng đá nhẹ vào người con husky: “Về phòng đi nào.” Nhưng nó vẫn lì lợm không nhúc nhích, cuối cùng tôi đành bế nó vào phòng, dặn dò: “Yên lặng, không được gây ồn, cũng đừng chạy lung tung.” Sau khi trấn an xong, tôi hít sâu, cố lấy lại bình tĩnh rồi quay lại phòng khách.
Giang Lẫm lúc này đang lặng lẽ quan sát dãy tủ kính đối diện. Những đường nét sắc sảo trên khuôn mặt anh dưới ánh đèn tường càng thêm sâu thẳm, đuôi mắt khẽ nhướng lên, không còn vẻ bất cần, phóng khoáng như ngày xưa mà thay vào đó là sự trầm lặng khó đoán. Đêm yên tĩnh, bóng anh hòa vào ánh sáng dịu nhẹ, khiến tôi có cảm giác như đang lạc trong một giấc mộng kéo dài suốt bao năm. Nhưng đây không phải mơ, anh thật sự đang hiện diện ở đây.
Thấy anh có vẻ chú ý đến tủ kính, tôi lên tiếng giải thích: “Đều là quà người khác tặng cả. Không rõ ai mách với anh ấy tôi thích gấu bông, sinh nhật năm nào cũng gửi tặng, đến giờ cũng phải bảy tám năm rồi.” Bên trong tủ chất đầy những chú gấu bông, búp bê lớn nhỏ, toàn là hàng đặt riêng, đắt đỏ. Tôi chẳng biết làm gì với chúng ngoài việc để làm đồ trang trí.
Giang Lẫm dường như nhận ra điều gì, hỏi tôi: “Không thích à?”
Tôi khẽ lắc đầu, đáp: “Khó nói lắm, cảm xúc khá phức tạp.” Nhìn những con gấu bông tinh xảo, tôi thở dài: “Thật sự không dễ diễn đạt đâu.”
“Vậy thì cứ từ từ mà nói.” Anh hơi ngẩng cằm, ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
Tôi ôm gối, tựa vào sofa, ngập ngừng: “Cũng chẳng có gì to tát...”
Giang Lẫm bất ngờ đề nghị: “Hay là mình chơi một trò nhé. Đổi bí mật cho nhau đi.” Giọng anh nhẹ nhàng, dường như cố ý dụ dỗ tôi mở lòng.
Tôi ngạc nhiên trước sự thoải mái bất ngờ của Giang Lẫm. Từ nhỏ đến lớn, anh vốn là kiểu người tự do, hiếm khi để tâm đến chuyện của ai, càng không phải kiểu dễ kiên nhẫn lắng nghe người khác. Lúc này, anh lại tỏ ra kiên nhẫn, ánh mắt như muốn nói “Tôi thật sự muốn nghe.”
Không kìm được, tôi bật cười. Có lẽ màn đêm khiến cảm xúc con người trở nên mạnh mẽ hơn, hoặc cũng có thể là vì Giang Lẫm. Hiếm khi tôi muốn chia sẻ tâm sự cùng ai.
“Hồi nhỏ tôi mê gấu bông lắm,” tôi chậm rãi kể, “Mẹ tôi bận rộn suốt ngày, ban ngày đi làm, tối còn nhận thêm việc, chẳng có thời gian ngủ cùng tôi. Thế nên bà mua cho tôi một con gấu bông để tôi ôm mỗi đêm.”
Không gian lặng im, ánh mắt Giang Lẫm dịu dàng, dường như anh thật sự lắng nghe.
“Có một lần, mẹ tôi đột nhiên ngất xỉu, tôi sợ hãi khóc không thành tiếng. Bà dỗ dành tôi, bảo chỉ mệt nên muốn ngủ một chút.”
Tôi tin lời bà, ngồi canh chừng suốt đêm đến tận sáng, cho đến khi bố tôi trở về.
Dừng lại một nhịp, tôi nghẹn ngào: “Ông ấy nói mẹ tôi đã...”
Thật ra, bao năm trôi qua, nỗi đau ấy cũng đã mờ nhạt. Nhưng mỗi lần nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy mình như đứa trẻ nhỏ, lặng lẽ ngồi trong căn phòng tối, canh giấc ngủ cho mẹ.